Tin Hội thảo: tham vấn, góp ý báo cáo rà soát, đánh giá tình hình huy động nguồn tài chính thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam

5 tháng 1, 2018

Hội thảo tham vấn, góp ý báo cáo rà soát, đánh giá tình hình huy động nguồn tài chính thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020

Ngày 29 tháng 12 năm 2017, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) tổ chức Hội thảo tham vấn, góp ý báo cáo rà soát, đánh giá tình hình huy động nguồn tài chính thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020,  Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Văn Hà chủ trì Hội thảo

Hội thảo đã nghe các báo cáo tiến độ thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 do Ông Phạm Hồng Lượng trình bày; đánh giá tình hình huy động nguồn tài chính thực hiện Chiến lược trong giai đoạn vừa qua và định hướng huy động nguồn tài chính thực hiện Chiến lược trong giai đoạn tới do TS. Bùi Thị Minh Nguyệt trình bày; Tài chính ngành Lâm nghiệp - xu thế toàn cầu và kinh nghiệm do TS. Phạm Thu Thủy trình bày; Tổng quan dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam do Ông Lê Văn Thanh trình bày.

Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược, ngành Lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó: Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng trưởng mạnh, đạt bình quân 6,6%/năm so với 5,03%/năm giai đoạn 2010-2012; kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ và lâm sản liên tục tăng mạnh gấp 1,7 lần trong vòng 5 năm, từ 4,2 tỷ USD năm 2011 lên 7,3 tỷ USD năm 2016; ngành Lâm nghiệp tiếp tục thu hút được sự quan tâm ủng hộ của toàn xã hội, được các bạn bè, đối tác quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; đồng thời, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro, thiên tai, dịch vụ vụ môi trường rừng thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành Lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng đặc biệt, là các cộng đồng dân cư thôn bản, đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy vậy, tại Hội thảo, nhiều đại biểu cũng nhận định rằng, một số chỉ tiêu của Chiến lược chưa đạt; vấn đề huy động nguồn tài chính trong giai đoạn vừa qua còn khó khăn, chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển của ngành, tiềm năng huy động các nguồn tài chính cho Lâm nghiệp chưa được khai thác triệt để; Các đại biểu cũng đã đưa ra những góp ý cho báo cáo rà soát, đánh giá tình hình huy động nguồn tài chính thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020, trong đó: cần phân tích rõ hơn về cơ cấu sử dụng nguồn tài chính; so sánh, đối chiếu lại với mục tiêu chiến lược; tổng hợp đầy đủ các nguồn vốn đã huy động triển khai thực hiện, đặc biệt là trong khu vực tư nhân. Trong thời gian tới, cần tiếp tục định hướng huy động hiệu quả các nguồn tài chính cho ngành Lâm nghiệp, trong đó nguồn thu từ ngân sách nhà nước cho phát triển Lâm nghiệp vẫn là chủ đạo; khai thác hiệu quả những cơ chế tài chính mới như dịch vụ môi trường rừng; thị trường các-bon,...

 

 

 

 


Chia sẻ