Sinh viên với khởi nghiệp -Bài phát biểu của PGS.TS. Trần Hữu Dào

15 tháng 5, 2018

Ngày 10 tháng 5 năm 2018, tại phòng họp D nhà T 10 trường Đại học Lâm nghiệp, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh đã tổ chức tọa đàm Sinh viên với Khởi nghiệp. Tới dự buổi tọa đàm PGS.TS. Trần Hữu Dào trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh đã có bài phát biểu, xin chia sẽ bài phát biểu của PGS.TS. Trần Hữu Dào tới các bạn.

 

                 Vấn đề khởi nghiệp hoặc các bạn thích nói theo tiếng Anh là "startup" không phải chỉ nóng bỏng ở nước ta mà đang diễn ra với hầu hết các nước trên thế giới. Đặc biệt chào đón và phấn khởi với trào lưu này chính là giới trẻ, các bạn đang tràn đầy nhiệt huyết, thông minh, có sức khỏe, có đam mê, cống hiến cho xã hội, trên cơ sở đó làm giàu cho bản thân, cho gia đình và đóng góp cho sự phát triển đất nước.

                Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1982/QĐ-TTg ban hành Khung trình độ quốc gia trong đó quy định chuẩn đầu ra của trình độ đại học, ghi rõ là sinh viên khi tốt nghiệp cần có "kỹ năng dẫn dắt, khởi nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho người khác". Quy định này đã được gần 2 năm, đa số các trường đại học đã quán triệt cần phải đào tạo kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên, để cho sinh viên có tố chất khởi nghiệp là một trong các nhiệm vụ quan trọng của các trường. Hiện nay các trường đại học ở Việt Nam cũng đã xây dựng những mô hình "Vườn ươm khởi nghiệp" cho sinh viên như là Bách khoa, ĐH Quốc gia, FPT... , điểm chung của tất cả những trường hợp khởi nghiệp thành công trong nhà trường hay là vừa mới tốt nghiệp đều cần có một khả năng đó là "nhìn ra cơ hội kiếm tiền". Khởi nghiệp cũng là một hoạt động được nhà trường chú trọng như một nhiệm vụ tất yếu của trường đại học, với mục tiêu giúp sinh viên không chỉ biết "làm thợ", "làm thuê" mà còn có thể "làm chủ".

                Các em có thể khởi nghiệp ngay còn khi trên ghế nhà trường khi các em đã có đam mê cháy bỏng trong lĩnh vực nào đó. Chắc bạn biết Bill Gates, anh ấy học đến năm thứ 2 thì bỏ học để theo đuổi  đam mê về máy tính của mình, và cuối cùng anh ấy đã là người lãnh đạo tập đoàn Microsoft hùng mạnh trên toàn thế giới và trở thành người giàu nhất hành tinh. Anh ấy từng nói vui: "Nếu hồi ấy tôi tiếp tục học đại học thì bây giờ không có Bill Gates" .

                 Trên thực tế có thể khởi nghiệp từ bất cứ ngành nào, tuy nhiên hiện nay những ngành khởi nghiệp có triển vọng đều dựa trên công nghệ cao. Các ngành không thuộc lĩnh vực công nghệ để khởi nghiệp được thì cũng cần bám vào công nghệ - khi đó mới tạo được ưu thế cạnh tranh với các đối thủ đang có. Với những ngành đang thay đổi nhanh chóng thì thường có nhiều cơ hội mới, còn các ngành mang tính truyền thống thì cũng có thể khởi nghiệp bằng cách vẫn dịch vụ/sản phẩm đấy với chất lượng cao hơn, giá thành thấp hơn bằng công nghệ mới, ví dụ như nông nghiệp công nghệ cao.

                   Khởi nghiệp không khi nào là muộn, nhưng càng trẻ càng tốt, càng sớm càng tốt. Tuổi trẻ dám mạo hiểm, ít vướng bận, không có gì để mất, lại có nhiều thời gian để sửa sai… Thường thì có 2 thời điểm khởi nghiệp: thời điểm thứ nhất là manh nha khởi nghiệp khi còn trên ghế nhà trường, vì khi đó có thời gian, có bạn bè, có thể tận dụng sự hỗ trợ của nhà trường, và nếu thành công thì ra trường đã có việc. Thời điểm thứ 2 là đi làm để có thêm kinh nghiệm, thêm quan hệ và tìm cơ hội, để sau 3-5 năm là khởi nghiệp được, khởi nghiệp tự thân hoặc khởi nghiệp chính trong lòng doanh nghiệp.

                    Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp theo phong trào, không định làm thật, chỉ dừng lại ở ý tưởng dự thi, ý tưởng của môn học được giải xong lại nghĩ ra ý tưởng khác dự thi tiếp – dẫn đến ý tưởng tô vẽ phục vụ người chấm điểm là chính. Trong thời gian qua, các lĩnh vực mà các bạn trẻ khởi nghiệp thành công thì hoặc là công nghệ cao (CNTT, CNSH...), hoặc là đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dùng (trồng trọt, chăn nuôi...), hoặc là kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh qua mạng.

                   Ta biết rằng hàm lượng trí tuệ, khát vọng cống hiến, khát vọng thể hiện, mong làm được một cái gì đó độc đáo, một cái gì đó mới, một cái gì đó có ích, một cái gì đó mang lại sự giàu có cho cá nhân và cho đất nước, những điều này tập trung nhiều nhất ở sinh viên. Sinh viên không khởi nghiệp thì chờ ai khởi nghiệp bây giờ?

                 Theo tôi nghĩ "Khởi nghiệp" là các bạn cứ làm đi, máu lửa, chọn lĩnh vực ít mạo hiểm, đầu tư ít, theo chiến thuật "bắn đạn nhỏ", " góp gió thành bão" và có thất bại thì cũng được rất nhiều kinh nghiệm quý báu tạo nền tảng cho các công việc sau này. Hành trang quan trọng nhất cho các bạn theo tôi là tư duy, tư duy phát triển thì mới có sự đột phá. Các bạn đừng thần tượng một ai cả vì con người luôn bị hạn chế bởi không gian và thời gian. Cho nên các bạn chỉ học được ở những người thầy, những thần tượng nào đó mà bạn ngưỡng mộ ở một mặt nào đó, còn bản thân bạn phải có tư duy độc đáo của riêng mình.

                Các bạn luôn luôn phải yêu cầu cao hơn những gì học được.

                Các bạn phải học tập ở mọi nơi, mọi lúc, học nữa, học mãi.

                                Chúc các bạn thành công!

PGS.TS. Trần Hữu Dào ( thứ 7 từ trái sang) chụp ảnh kỷ niệm cùng Khách mời và ban tổ chức

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Chia sẻ