CÁC HỌC PHẦN BỘ MÔN KINH TẾ ĐẢM NHIỆM

8 tháng 10, 2016

1. Môn học: Kinh tế vĩ mô 1

          - Số tín chỉ: 03

          - Điều kiện tiên quyết: 0

Là môn học bắt buộc thuộc khối kiến thức giáo dục chuyên ngành giảng dạy cho sinh viên ngành kinh tế, kế toán và quản trị kinh doanh – Những sinh viên lần đầu tiên tiếp cận với kinh tế học vĩ mô.

Kinh tế học vĩ mô là môn học nghiên cứu về lựa chọn của nền kinh tế như là một tổng thể. Do vậy, các nội dung chủ yếu được đề cập trong môn học là: cách xác định sản lượng của nền kinh tế, kiểu tổ chức kinh tế, lạm phát, thất nghiệp của nền kinh tế cũng như các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô mà các quốc gia sử dụng như: chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ…

2. Môn học: Kinh tế vĩ mô 2

          - Số tín chỉ: 03

          - Điều kiện tiên quyết: Kinh tế vĩ mô 1, Kinh tế vi mô 1

Là môn học bắt buộc thuộc khối kiến thức giáo dục chuyên ngành giảng dạy cho sinh viên năm thứ hai chuyên ngành kinh tế – Những sinh viên đã có những kiến thức cơ sở về kinh tế học vĩ mô.

          Kinh tế học vĩ mô là môn học nghiên cứu hoạt động của toàn bộ nền kinh tế. Nó giúp giải đáp những vấn đề quan trọng liên quan đến đời sống kinh tế của một quốc gia như: Điều gì qui định mức sống và tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia? Các nhân tố nào gây ra lạm phát và thất nghiệp? Tại sao các nền kinh tế thường xuyên biến động? Chính phủ có vai trò gì trong việc khuyến khích tăng trưởng, kiềm chế lạm phát và ổn định thất nghiệp ở mức độ hợp lý? Những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu có ảnh hưởng như thế nào đến thành tựu kinh tế của một quốc gia?...

3. Môn học: Kinh tế vi mô 1

          - Số tín chỉ: 03

          - Điều kiện tiên quyết:

Kinh tế vi mô nghiên cứu các lựa chọn kinh tế của các bộ phận cấu thành của nền kinh tế. Môn học phân tích những nội dung: Những vấn đề kinh tế cơ bản của các tổ chức kinh tế, cung cầu và sự hình thành giá cả thị trường, lựa chọn tối ưu của người tiêu dùng, lựa chọn sử dụng đầu vào tối ưu của doanh nghiệp, phân tích chi phí sản xuất trong ngắn hạn và dài hạn, lựa chọn sản lượng tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp, cấu trúc thị trường, thị trường các yếu tố sản xuất  và vai trò của chính phủ trong nền kinh tế thị trường.

4. Môn học: Kinh tế vi mô 2

          - Số tín chỉ: 03

          - Điều kiện tiên quyết: Kinh tế vi mô 1

Kinh tế vi mô 2 sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về kinh tế vi mô và việc ứng dụng những kiến thức này trong các lĩnh vực của nền kinh tế. Những kiến thức cơ bản là: các qui luật cơ bản của nền kinh tế thị trường, cung cầu, các yếu tổ ảnh hưởng đến cung cầu hàng hoá và dịch vụ, ứng dụng của mô hình cung cầu. Tiếp đến là các kiến thức về lựa chọn của người tiêu dùng và lựa chọn của người sản xuất trong điều kiện rủi ro, sản xuất và chi phí, tối ưu hoá trong sản xuất, các loại thị trường với những đặc trưng và mô hình của chúng. Thị trường lao động, phân tích cân bằng tổng thể và hiệu quả kinh tế là những kiến thức được cung cấp tiếp theo.

5. Môn học: Phân tích lợi ích – chi phí

          - Số tín chỉ: 03

          - Điều kiện tiên quyết: Kinh tế vi mô 1

Phân tích lợi ích – chi phí là môn kinh tế ứng dụng: Cung cấp các công cụ để tính toán, phân tích các chỉ tiêu làm căn cứ lựa chọn dự án và chính sách. Các chỉ tiêu này được xem xét trên hai góc độ: tài chính – mối quan tâm của cá nhân, và kinh tế - mối quan tâm của xã hội. Do vậy, môn học đề cập đến nội dung chính sau đây: Tổng quan về phân tích lợi ích và chi phí, cách tính toán và sử dụng các chỉ tiêu chủ yếu trong phân tích tài chính, căn cứ và phương pháp quy đổi các lợi ích/chi phí tài chính thành lợi ích/chi phí kinh tế và sử dung chúng trong phân tích kinh tế. 

6. Môn học: Phương pháp nghiên cứu kinh tế

          - Số tín chỉ: 02

          - Điều kiện tiên quyết:

Nội dung của môn học tập trung vào việc trang bị các kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng thu thập, xử lý và phân tích số liệu để tiến hành các nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.

7. Môn học: Quản lý nhà nước về kinh tế

          - Số tín chỉ: 03

          - Điều kiện tiên quyết:

Học phần này cung cấp những kiến thức cơ bản có hệ thống về quản lý Nhà nước nói chung, quản lý Nhà nước về kinh tế nói riêng, bao gồm: Nhà nước và quản lý Nhà nước, đặc điểm, đối tượng của quản lý Nhà nước về kinh tế, mục tiêu, nguyên tắc, công cụ và phương pháp quản lý Nhà nước về kinh tế, các chức năng cơ bản của quản lý Nhà nước về kinh tế, văn bản và quyết định trong quản lý Nhà nước về kinh tế, cơ cấu và công chức trong bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế.

8. Môn học: Lịch sử các học thuyết kinh tế

          - Số tín chỉ: 03

          - Điều kiện tiên quyết:

Kết cấu môn học được chia thành 12 chương. Nội dung các chương sẽ giới thiệu các vấn đề cơ bản về sự hình thành và nội dung cơ bản các lý luận kinh tế của các trường phái kinh tế, các nhà kinh tế học tiêu biểu gắn với thời kỳ hình thành của khoa học kinh tế: trường phái Trọng thương, trường phái Trọng nông, Kinh tế học cổ điển Anh, Kinh tế học tầm thường, trường phái Tiểu tư sản, Chủ nghĩa XH không tưởng Tây âu, Trường phái Tân cổ điển; với thời kỳ chủ nghĩa tư bản hiện đại: trường phái Keynes, chủ nghĩa tự do mới, kinh tế học trường phái chính hiện đại; kinh tế học Mác - Lênin và một số các lý thuyết tiêu biểu về tăng trưởng và phát triển kinh tế.

9. Môn học: Kinh tế thương mại dịch vụ

          - Số tín chỉ: 03

          - Điều kiện tiên quyết:

Môn học kinh tế thương mại dịch vụ nhằm giới thiệu cho sinh viên những kiến thức cơ bản về thương mại dịch vụ như: Quản lý Nhà nước đối với thương mại dịch vụ; những vấn đề cơ bản của thương mại dịch vụ; một số chính sách thương mại dịch vụ; các hoạt động thương mại của doanh nghiệp như hoạt động tiêu thụ và cung ứng hàng hoá; đồng thời môn học cũng đưa ra mục tiêu, quan điểm phát triển thương mại dịch vụ của Việt Nam; và giới thiệu một số ngành thương mại dịch vụ cơ bản.

10. Môn học: Kinh tế tài nguyên

          - Số tín chỉ: 03

          - Điều kiện tiên quyết: Kinh tế vi mô 1, Toán cao cấp.

Kinh tế tài nguyên tập trung vào nghiên cứu các lý thuyết kinh tế được áp dụng vào việc khai thác, sử dụng và quản lý hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm.

11. Môn học: Kinh tế quốc tế

          - Số tín chỉ: 03

          - Điều kiện tiên quyết:

Kinh tế học quốc tế (International economics) là một bộ phận của Kinh tế học, nghiên cứu tính qui luật của sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế giữa các quốc gia, nghiên cứu sự trao đổi hàng hóa, dịch vụ, sự vận động của các yếu tố sản xuất, sự chuyển đổi tiền tệ và cán cân thanh toán giữa các quốc gia và nghiên cứu các chính sách điều chỉnh quá trình vận động và trao đổi nói trên.

Những chủ đề quan trọng của môn học Kinh tế quốc tế là những lợi ích thu được từ thương mại quốc tế, mô hình thương mại quốc tế, những vấn đề liên quan đến chủ nghĩa bảo hộ, các xu hướng và loại hình của đầu tư quốc tế, vấn đề xác định cán cân thanh toán quốc tế của một quốc gia, vấn đề xác định tỷ giá hối đoái và phương thức quản lý tỷ giá hối đoái, sự hình thành các liên kết kinh tế và sự phối hợp chính sách giữa các quốc gia.

12. Môn học: Kinh tế phát triển

          - Số tín chỉ: 03

          - Điều kiện tiên quyết:

Môn học Kinh tế phát triển bao gồm các vấn đề cơ bản như: tăng trưởng và phát triển kinh tế, ai được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế, các nguồn lực được sử dụng để tạo nên sự tăng trưởng kinh tế như lao động, vốn, khoa học công nghệ…., các chính sách phát triển kinh tế như chính sách nông nghiệp, chính sách công nghiệp, chính sách ngoại thương…

13. Môn học: Kinh tế nông nghiệp

          - Số tín chỉ: 03

          - Điều kiện tiên quyết:

Môn học Kinh tế nông nghiệp bao gồm các vấn đề cơ bản như: vai trò, vị trí của nông nghiệp, các nguồn lực được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, cung - cầu nông sản, thị trường nông sản và hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế trong nông nghiệp...

14. Môn học: Kinh tế môi trường

          - Số tín chỉ: 03

          - Điều kiện tiên quyết:

Môn học thảo luận về các vấn đề cơ bản như: (1) mối liên hệ giữa các vấn đề tài nguyên và môi trường khác nhau với các hoạt động kinh tế có tác động đến chúng; (2) các vấn đề  tài nguyên môi trường này có thể được giải quyết như thế nào bằng việc sử dụng các công cụ kinh tế thích hợp và các cải cách về thể chế/quyền tài sản; (3) các kỹ thuật đánh giá giá trị khác nhau có thể sử dụng để xác đánh giá trị tiền tệ của các tác động môi trường của các hoạt động/chương trình/chính sách; (4) phân tích lợi ích chi phí có thể áp dụng như thế nào trong đánh giá những chọn lựa quản lý tài nguyên/môi trường khác nhau; (5) các công cụ quản lý môi trường bao gồm cả quản lý nhà nước và quản lý môi trường dựa vào thị trường.

15. Môn học: Kinh tế lượng

          - Số tín chỉ: 03

          - Điều kiện tiên quyết:

Kinh tế lượng là môn học tập trung vào việc xây dựng và ước lượng các mô hình hồi quy phản ánh mối quan hệ giữa các hiện tượng kinh tế - xã hội. Trên cơ sở các mô hình xây dựng được các mối quan hệ giữa các hiện tượng kinh tế xã hội sẽ được lượng hóa để từ đó làm cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách có cơ sở đáng tin cậy trong việc đề xuất các chính sách phát triển kinh tế, xã hội.

16. Môn học: Kinh tế lâm nghiệp

          - Số tín chỉ: 03

          - Điều kiện tiên quyết:

Học phần này cung cấp những kiến thức cơ bản có hệ thống về vai trò của ngành lâm nghiệp; đặc điểm sản xuất lâm nghiệp, phát triển lâm nghiệp; cơ cấu và hệ thống kinh tế lâm nghiệp, định giá rừng; chính sách lâm nghiệp ….

17. Môn học: Kinh tế đầu tư

          - Số tín chỉ: 03

          - Điều kiện tiên quyết:

Kinh tế đầu tư là môn khoa học nghiên các vấn đề lý luận và thực tiễn về đầu tư phát triển. Về lý luận, môn học chủ yếu trang bị các khái niệm có liên quan đến hoạt động đầu tư phát triển, vai trò, đặc điểm của hoạt động đầu tư phát triển; Vốn, Nguồn vốn và điều kiện để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; các quy định của nhà nước trong hoạt động đầu tư phát triển. Môn học đi sâu phân tích khía cạnh kinh tế của hoạt động đầu tư phát triển giúp sinh viên có thể đưa ra những sự lựa chọn đầu tư đúng đắn và hiệu quả.

18. Môn học: Kinh tế công cộng

          - Số tín chỉ: 03

          - Điều kiện tiên quyết:

Môn học cung cấp các kiến thức cơ bản về sự cần thiết và vai trò của chính phủ và khu vực kinh tế công cộng trong nền kinh tế thị trường; vai trò của chính phủ trong phân bổ có hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, trong phân phối lại thu nhập và đảm bảo công bằng xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra môn học còn cung cấp kiến thức về các công cụ chính sách mà chính phủ sử dụng trong nền kinh tế thị trường. Ngoài phần lý thuyết, môn học có lồng ghép vào các kiến thức và sự kiện thực tế có liên quan đến nội dung của môn học.

19. Môn học: Kinh tế đất

          - Số tín chỉ: 02

          - Điều kiện tiên quyết:

Môn học thảo luận về các vấn đề cơ bản như: Khái niệm về kinh tế đất; Mối quan hệ đất đai với các vấn đề kinh tế - xã hội; Mô hình ba mặt trong nghiên cứu kinh tế đất (yếu tố tự nhiên, yếu tố kinh tế, yếu tố thể chế); Lý thuyết cung cầu áp dụng trong sử dụng đất; những yếu tố ảnh hưởng tới cung kinh tế tài nguyên đất; Phân tích kinh tế - xã hội trong sử dụng đất; Tính kinh tế của quyền sở hữu và quyền sử dụng đất đai; Sự kế tiếp trong sử dụng; Mâu thuẫn về mối quan tâm cá nhân và quan tâm của xã hội trong sử dụng đất; Hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế sử dụng đất; Các phương pháp nghiên cứu trong kinh tế đất.

20. Môn học: Địa lý kinh tế

          - Số tín chỉ: 03

          - Điều kiện tiên quyết:

Địa lý Kinh tế Việt Nam là môn học tự chọn, giảng dạy cho các chuyên ngành kinh tế,  kinh tế nông nghiệp, quản trị kinh doanh, kế toán và quản lý đất đai.

Để hiểu rõ những đặc điểm và tính qui luật tổ chức không gian kinh tế - xã hội ở nước ta, môn học  phân tích những đặc điểm và xu hướng hiện đại của sự phát triển kinh tế - xã hội;  đánh giá vai trò và vị trí của Việt Nam trong hệ thống phân công lao động khu vực và quốc tế;  tiềm năng và các nguồn lực chủ yếu, trước hết là các nguồn nội lực cho phát triển kinh tế;  phân tích hiện trạng và phương hướng tổ chức các ngành kinh tế, đồng thời môn học này sẽ giới thiệu một số vấn đề phát triển kinh tế xã hội của 7 vùng kinh tế trong cả nước.

21. Môn học: Kinh tế xây dựng

          - Số tín chỉ: 02

          - Điều kiện tiên quyết:

Học phần này nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về  kinh tế và tổ chức quản lý sản xuất - kinh doanh xây dựng. Tổ chức quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và đánh giá hiệu quả kinh tế đầu tư. Xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong thiết kế và thi công, thiết lập được dự toán công trình, đồng thời đưa ra được các biện pháp hạ giá thành trong xây lắp.

22. Môn học: Định giá tài nguyên

          - Số tín chỉ: 03

          - Điều kiện tiên quyết:

Trong môn học Kinh tế môi trường, Định giá tài nguyên được thực hiện trong 01 chương với thời lượng hạn chế. Trong chương trình này, các phương pháp định giá tài nguyên được đi sâu hơn, với phần lý thuyết và các nghiên cứu điểm minh hoạ.   Môn học giới thiệu một cách có hệ thống các phương pháp định giá tài nguyên cơ bản:  các phương pháp dựa vào thị trường, các phương pháp thị trường đại diện, các phương pháp thị trường giả định...Ngoài ra học viên cũng sẽ được cung cấp các kiến thức liên quan đến các vấn đề quản lý tài nguyên thiên nhiên và quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững của cả Việt Nam và trên thế giới.

23. Môn học: Chính sách nông nghiệp nông thôn

          - Số tín chỉ: 02

          - Điều kiện tiên quyết:

Môn học này cung cấp những khái niệm cơ bản về chính sach, những phương pháp chủ yếu để phân tích chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, đồng thời môn học cũng cung cấp những định hướng chính sách chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn.


Chia sẻ